Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Việc thu gom, xử lý rác thải y tế khi F0 điều trị tại nhà còn nhiều bất cập
Trước tình hình bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh từng ngày, việc điều trị các F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, việc phân loại và thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà chưa được các ngành chức năng và người dân quan tâm đúng mức.
Công nhân Công ty TNHH Nga Hải phun khử trùng sau khi thu gom rác thải tại các khu dân cư.

Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm, UBDN tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà, trong đó có hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn, quản lý chất thải tại nhà; Công văn về việc tiếp tục thực hiện công tác quản lý, xử lý chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong việc điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19, tất cả các loại rác thải như: khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ (các vật dụng: ly, chén, dĩa, hộp bằng giấy, nhựa dùng trong ăn uống) của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương. Đây là quy định đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Song, theo ghi nhận của phóng viên, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức.

Phường Hợp Giang (Thành phố) là địa bàn dịch Covid-19 phức tạp, thuộc cấp độ 3 nguy cơ cao. Bà Hoàng Thị Trâm Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hợp Giang, chia sẻ: Khi cách ly điều trị tại nhà, người dân đều được hướng dẫn thực hiện các quy định phòng, chống dịch, phân loại xử lý rác thải. Tỉnh, Thành phố có hướng dẫn cụ thể, phường phổ biến trên loa, thông qua tổ giám sát cộng đồng, cán bộ tuyên truyền, nhắc nhở tới từng F0 và gia đình về cách thức xử lý rác thải y tế khi điều trị Covid-19. Tuy nhiên thực tế, việc xử lý rác thải tại địa phương gặp nhiều khó khăn do lực lượng làm công tác này rất mỏng, chưa được đầu tư xe chuyên dụng chuyên chở rác thải lây nhiễm, thiếu trang thiết bị bảo hộ, kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý rác thải tại địa phương còn hạn hẹp...

Gia đình ông H.V.V., tổ 7 phường Hợp Giang có 4 F0 và 2 F1 cách ly, điều trị tại nhà, lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày của gia đình ông khá nhiều. Ông V. cho biết: Hằng ngày, lượng rác thải sinh hoạt trong nhà tôi đều cho vào 1 túi nilon màu đen sau đó buộc kín miệng túi và mang ra trước cửa để công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom.

Đây cũng là cách mà hầu hết các hộ trên địa bàn phường Hợp Giang nói riêng và các bệnh nhân F0 đang điều trị Covid-19 nói chung trên địa bàn tỉnh xử lý rác thải y tế. Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền việc phân loại rác thải ngay tại nhà, đặc biệt là rác thải có khả năng lây nhiễm, nhưng hầu hết các gia đình người bệnh đều coi như rác thải thông thường, tất cả bỏ vào một túi nilon chờ đơn vị vận chuyển đến thu gom. Trong khi đó, khẩu trang y tế cũng như các đồ dùng phục vụ người bệnh tiềm ẩn nhiều mầm bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa. Việc thải, bỏ khẩu trang sau khi sử dụng đồng nghĩa mầm bệnh, vi khuẩn còn tồn tại, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.  
Công ty TNHH Nga Hải là đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho 10 phường, xã của Thành phố với lượng rác trên 7 tấn/ngày đêm. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều kiện làm việc của người lao động rất áp lực. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có ý thức quản lý, phân loại chất thải y tế cũng như rác thải sinh hoạt. Công ty thường xuyên khuyến cáo, nhắc nhở người lao động khi làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải thực hiện các biện pháp bảo vệ, mặc bảo hộ lao động, sát khuẩn thường xuyên, tự bảo vệ mình để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Chị Ngô Thị Thúy, công nhân Công ty TNHH Nga Hải chia sẻ: Thời gian gần đây, khi dịch bệnh bùng phát, số người nhiễm bệnh tăng cao, khi đi thu gom rác thải sinh hoạt của những nhà có bệnh nhân F0, tôi thấy mọi người đều để lẫn trong các bao rác sinh hoạt, chúng tôi không thể mở ra vì sợ bị lây nhiễm. Mong người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa đối với việc phân loại rác có nguy cơ lây nhiễm để chúng tôi có biện pháp thu gom.

Tại các gia đình có F0, rác thải dễ lây nhiễm vẫn để chung với rác thải sinh hoạt.

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có trên dưới 2.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đến ngày 7/3/2022, toàn tỉnh có 14.019 trường hợp nhiễm Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại nhà. Với sự nỗ lực của ngành y tế, các F0 điều trị tại nhà đang được chăm sóc và thực hiện đúng theo hướng dẫn của lực lượng y tế, đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, trường hợp diễn biến nặng báo ngay về cơ quan y tế để được điều trị tại các cơ sở y tế, với quyết tâm không để bất kỳ F0 nào bị bỏ lại phía sau.

Thiết nghĩ, những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường vẫn là chưa đủ mà còn cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.

 
Thanh Bình (Báo Cao Bằng)
Tin tức
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang